THÔNG TIN HỌC TẬP

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thi Tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc


Hình nh Thi tìm hiểu về: Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển  1982  của Chi đội Nguyễn Văn Cừ - Lớp 8/4      


BÀI DỰ THI TÌM HIỂU : “CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN  NĂM 1982”
LỚP 8/4 – CHI ĐỘI NGUYỄN VĂN CỪ  
Người trình bày: Trần Bích Anh
      Kính thưa quý Thầy cô cùng các bạn, tham gia hội thi Tìm hiểu về chủ quyền của  Tổ quốc, Chi đội Nguyễn Văn Cừ - Lớp 8/4 chúng em xin trình bày nội dung Tìm hiểu về: Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982; Kính mời quý Thầy cô cùng các bạn lắng nghe!
      Sau hơn 4 năm chuẩn bị  và 9 năm đàm phán, ngày 10/12/1982, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển 1982), được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Vịnh Montego, nước Cộng hòa Jamaica, đánh dấu thành công của Hội nghị LHQ về Luật biển lần thứ 3, với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ, cùng xây dựng nên một Công ước mới về Luật biển, được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển, cùng chấp nhận.


        Có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, Công ước Luật biển 1982 là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. ( Hình 1 )
Hình 1 : Sách Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982

Công ước Luật biển 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hoá các quy định mang tính tập quán. Công ước thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay là nước đang phát triển
Tính đến ngày 3/6/2011, đã có 162 nước phê chuẩn và tham gia Công ước luật biển 1982.
     Một số nội dung quan trọng được quy định trong Công ước, như sau
1.Quốc gia ven biển được thực hiện đầy đủ chủ quyên của mình đối với vùng lãnh hải mà họ có quyền thiết lập với chiều rộng không quá 12 hải lí (1 hải l ý = 1852m). Tuy vậy, tàu thuyền nước ngoài được phép lưu thông trong vùng lãnh hải. Tàu thuyền và máy bay được phép đi qua các dải hẹp, eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế.



                 Hình 2 : Phân định vùng biển theo Công ước Luật biển năm 1982

    2.Ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định dựa trên các quy tắc áp dụng cho lãnh thổ đất liền. Quốc gia có biên giới với eo biển có thể điều tiết lưu thông hàng hải và các khía cạnh khác liên quan đến đi lại, lưu thông.
3.Quốc gia quần đảo, được tạo thành bởi các đảo hoặc các nhóm đảo, sẽ có chủ quyền đối với những vùng biển nằm trong các đường thẳng được vẽ bởi các điểm xa nhất của các đảo, vùng nước bên trong các đảo được gọi là vùng nước quần đảo ; các quốc gia này có thể thiết lập các đường đi lại cho tàu thuyền và hàng không, trong đó các quốc gia khác có thể được hưởng quyền qua lại các quần đảo bằng các tuyến đường biển đã định.
4. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý, đối với tài nguyên thiên nhiên và một số hoạt động kinh tế, và thực hiện quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, tự do đặt dây cáp ngầm và đường ống.
5. Quốc gia không có biển hoặc bất lợi về địa lý có quyền tham gia trên cơ sở công bằng trong việc khai thác một phần thích hợp trong số phần dư dôi của các tài nguyên sống trong vùng đặc quyền kinh tế  của quốc gia ven biển trong cùng khu vực hoặc tiểu khu vực.
6. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa (khu vực đáy biển của quốc gia) trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Thềm lục địa có thể kéo dài ít nhất là 200 hải lý từ bờ biển, và có thể  kéo dài không quá 350 hải lý …
7. Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do truyền thống về hàng hải, bay qua, nghiên cứu khoa học và đánh cá trên vùng biển quốc tế. Các quốc gia có trách nhiệm hợp tác với nhau trong việc thông qua các biện pháp để quản lý và bảo tồn các tài nguyên sống trên biển.
  8. Các quốc gia có chung biên giới với biển kín hoặc nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc quản lý tài nguyên sống, có chính sách và hoạt động về môi trường cũng như nghiên cứu khoa học. Các quốc gia không có biển có quyền tiếp cận với biển và được tự do quá cảnh thông qua nước quá cảnh để ra biển. Các quốc gia phải ngăn chặn và kiểm soát ô nhiểm môi trường biển và phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra do sự vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình để kiềm chế sự ô nhiễm đó.
9. Tất cả các nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển có trách nhiệm đồng ý với đề nghị của các quốc gia khác khi việc nghiên cứu được tiến hành vì mục đích hoà bình… Các quốc gia cam kết tăng cường phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển trong những điều kiện “ công bằng và hợp lý” có tính đến đầy đủ những lợi ích hợp pháp.
10. Các quốc gia thành viên phải giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc hiểu và áp dụng Công ước bằng biện pháp hoà bình . Các tranh chấp cần được trình lên Toà án quốc tế về luật biển, trình lên Toà án công lý quốc tế hoặc trọng tài. Toà án có quyền tài phán riêng biệt đối với những tranh chấp liên quan đến khai thác ở đáy biển.
Kính thưa quý Thầy cô cùng các bạn !
    Sau 30 năm kể từ khi ra đời, Công ước Luật biển 1982 có vị trí pháp lý rất quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế. Tại Hội nghị lần thứ 22, các quốc gia thành viên của Công ước, tổ chức tại NewYork vào tháng 6/2012, một lần nữa Công ước được khẳng định là thành tựu của nhân loại bởi những quy định của nó là kết quả của sự hợp tác - đấu tranh - xây dựng nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, quan điểm luật pháp khác nhau; là sự thoả hiệp giữa các quốc gia vì một nhận thức chung đối với tầm quan trọng sống còn của biển và đại dương đối với sự phát triển của nhân loại.
        Tham gia Công ước Luật biển 1982, Việt Nam, quốc gia ven biển, được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế  rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà nước ta được hưởng theo quy định của Công ước, khoảng gần một triệu Km2, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền

Hình 3: Vùng biển và thềm lục địa của nước ta được hưởng theo quy định của Công ước Luật biển 1982
     Việt Nam nhận thức rằng: trong việc sử dụng biển và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982 việc nảy sinh các bất đồng và tranh chấp giữa các quốc gia là điều khó tránh khỏi. Cách thức duy nhất để giải quyết những sự khác biệt và các tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến giải thích và thực hiện các quy định của Công ước chính là sử dụng các biện pháp hoà bình theo quy định của luật pháp quốc tế. Giải quyết các tranh chấp biển bằng các biện pháp hoà bình vừa là nghĩa vụ của các thành viên Liên hợp quốc theo quy định của Hiến chương LHQ và vừa là nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển năm 1982.
Nghị quyết của Quốc hội nước ta về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 tuyên bố rõ: “Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì hoà bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục từ lâu đời đối với hai quần đảo này, Công ước là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, vốn là vùng biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hình 4:Ranh giới  “ Đường lưỡi bò” ( màu đỏ ) phi l‎ý trên biên Đông của Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia phản đối 

Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hành động theo chủ trương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982; đồng thời yêu cầu kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ nghĩa vụ này. Lập trường đó của Nhà nước Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và nhiều vùng biển đảo khác của Việt Nam là thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam. Mọi âm mưu và hành động xâm lấn chủ quyền biển đảo Việt Nam của các thế lực bên ngoài là hành động xâm lược, là vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là vi phạm Công ước Luật biển năm 1982.
    Tìm hiểu về chủ quyền Tổ quốc Việt Nam, mỗi học sinh chúng ta phải ra sức học tập thật tốt, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Việt Nam thật giỏi và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ và giữ vững chủ quyền vùng biển vùng trời tươi đẹp của chúng ta!

Hình 5 : Tuổi trẻ Việt Nam  kiên quyết  bảo vệ và giữ vững chủ quyền thiêng liêng biển đảo của tổ quốc
  
   Tổ quốc là trên hết ! Tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng bảo vệ và giữ vững chủ quyền thiêng liêng biển đảo của tổ quốc  thân yêu!     
     
   Để kết thúc bài thuyết trình, em xin mượn một đoạn thơ trong bài thơ: “ Tổ quốc nhìn từ biển ” của  nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, mới thầy cô và các bạn lắng nghe !


Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn….

…Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

   Bài dự thi của em đến đây là kết thúc! Em xin cảm ơn quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn đã chú ý lắng nghe! Em xin kính chúc quí thầy cô và các bạn dồi dào sức khoẻ, chúc hội thi thành công tốt đẹp! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét